Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

TRUYỀN THUYẾT VỀ HÀ TIÊN CÔ


Hà Tiên Cô vốn tên là Hà Tú Cô, là người huyện Tăng Thành Quảng Châu, cư trú tại Vân Mẫu khê, theo truyền thuyết bà sinh vào ngày mồng 7 tháng 3 không rõ năm nhưng vào thời Võ Tắc Thiên nhà Đường. Phụ thân là Hà Thái, gia đình thuộc loại cự phú, nô tì đến cả trăm người. Khi bà sinh ra mây tía kéo đến bao phủ quanh nhà. Năm 13 tuổi khi ra ngoài dạo chơi, gặp được Lã Động Tân (có thuyết cho rằng Thiết Quải Lí, Lữ Động Tân, Trương Quả Lão) nơi vườn đào, được các vị tiên này thu nhận làm đệ tử và các tiên nhân cho bà ăn đào tiên, táo tiên và vân mẫu, từ đó bà trở nên thần dị, có thể dự đoán được tương lai, biết được hoạ phúc của con người, không biết đói khát, và sau khi thiết trai đàn cúng, Hà Tú Cô trở thành “Hà Tiên Cô”.

Một thuyết khác là Hà Tiên Cô lên tiên, bà từ trong giếng ở trước nhà cầu tiên mà đi. Sau khi thành tiên, bên giếng còn lưu lại một chiếc hài, chiếc còn lại từ sông ở Bồ Điền Phúc Kiến bay đi.

Theo "Tiên phật kì tung", Hà Quỳnh ngay khi chào đời đã có 5 sợi tóc dài trên đỉnh đầu. Khi khoảng 14-16 tuổi nằm mộng thấy gặp người tiên và lệnh cho Hà Quỳnh tự mình nuốt bột vân mẫu (mica) để siêu thoát và trở thành bất tử. Tuân theo mệnh lệnh, Hà Quỳnh đã nuốt bột vân mẫu cũng như thề không xuất giá (lấy chồng). Sau đó, người ta thường thấy Hà Quỳnh thường xuất hiện trong các hang núi, đi lại nhẹ nhàng uyển chuyển như bay lượn. Mỗi ngày Hà Quỳnh ra đi từ lúc bình minh và trở về vào lúc hoàng hôn, mang theo về các loại hoa quả trong núi cho mẹ. Cứ như thế dần dần không còn cần phải ăn những đồ ăn thức uống thông thường nữa.

Võ Tắc Thiên từng sai sứ giả đến mời Hà Quỳnh vào triều gặp mặt, nhưng trên đường về kinh thì Hà Quỳnh mất tích. Trong niên hiệu Cảnh Long (khoảng năm 707 thời Đường Trung Tông), Hà Quỳnh thăng thiên và trở thành tiên, dân gian gọi là Tiên Cô. Theo truyền thuyết, Tiên Cô là vị tiên biết trước họa phúc của nhân gian.

Thời nhà Tống, Tằng Mẫn Hành trong "Độc tỉnh tạp chí" có ghi chép rằng khi Địch Thanh đem quân xuống phương nam để dẹp cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao, có đi qua Vĩnh Châu và rẽ vào điện thờ Hà Tiên Cô để xin quẻ xem cát hung và kết quả chiến cuộc và được Hà Tiên Cô báo rằng "công bất tất kiến tặc, tặc bại thả tẩu" (ông chẳng gặp được giặc, giặc bại vừa chạy). Ban đầu Địch Thanh không tin, nhưng sau này quân tiên phong của nhà Tống vừa giao chiến với quân của Nùng Trí Cao thì Cao đã bại trận và tháo chạy sang nước Đại Lý và đúng là Địch Thanh không có cơ hội giáp mặt Nùng Trí Cao.

(Đọc thêm truyền thuyết về người anh Hùng Nùng Trí Cao)

Còn có một thuyết nữa là vào thời Bắc Tống, năm Khánh Lịch đời Tống Nhân Tông tại Hành sơn Hồ Nam có một người con gái tên Hà Tiên Cô, không ăn lương thực ngũ cốc, thân thể rất nhẹ, có thể biết được việc quỷ thần, được tôn là thần tiên.

Cũng một thuyết khác, thời Tống Nhân Tông tại Vĩnh Châu có cô gái họ Hà, nhân vì ăn được đào tiên, nên không biết đói khát, biết được cát hung, nhiều sĩ đại phu tìm đến hỏi.

Đời Nguyên, trong vở tạp kịch Trần Quý Khanh ngộ đạo trúc diệp chu của Phạm Khang có viết trong bát tiên có Hà Tiên Cô, nhân cơ hội Lữ Động Tân độ cho thư sinh Trần Quý Khanh (Ở đây nguyên tác in nhầm là Trần Tú Khanh) thi rớt, đã cùng với chư tiên thi triển pháp thuật điểm hoá ngộ nhân sinh, theo chư tiên đi dự hội bàn đào của Tây Vương Mẫu.

Truyền thuyết về Hà Tiên Cô rất nhiều, có người nói Hà Tiên Cô là Triệu Tiên Cô mà Lữ Động Tân siêu độ, tên là Hà, nhân vì trong tay cầm hoa sen nên đã hài âm là Hà Cô. Trong các thuyết, thuyết có ảnh hưởng tương đối lớn là thuyết cô gái nhà Hà Thái ở làng Tân Quế huyện Tăng Thành biến thành tiên. Nơi đó từng lập miếu Hà Tiên Cô, đồng thời lấy ngày sinh mồng 7 tháng 3 âm lịch trong truyền thuyết làm ngày tế tự. Đến ngày đó diễn kịch đáp tạ chư thần, cử hành lễ  chia “Tiên thang” (là thuốc dành cho phụ nữ), tế tự tiến hành khoảng từ 3 đến 5 ngày, nhiều hơn có khi đến 1 tháng. Phàm những ai họ Hà đến cúng, sẽ được miếu bao cho ăn ở, đón tiếp rất là long trọng.


 

Không có nhận xét nào: