Thời Đức Phật còn tại thế, hôm đó là buổi sáng mùa thu trời trong gió lặng, Đức Phật dẫn các đệ tử của mình ra ngoài thành Xá Vệ, tới một bờ sông nhỏ. Nước sông cuồn cuộn chảy không ngừng...
Đức Phật trỏ tay xuống dòng sông, đoạn quay lại hỏi chúng tăng: "Các con bảo bây giờ làm thế nào để qua được sông?". Chúng tăng ngơ ngác nhìn nhau, đoạn nói: "Bạch sư tôn, có lẽ ta phải tìm một thuyền phu ạ!". Đức Phật mỉm cười nói: "Vậy nếu chẳng có thuyền phu thì làm cách nào?". Chúng tăng im lặng, nhìn nhau chẳng nói.
Đức Phật tiến đến gần bờ sông, nhìn xuống dòng nước mênh mông đang cuồn cuộn chảy, nói: "Nếu không có thuyền phu thì phải tự kết bè mà qua thôi". Rồi Đức Phật gọi chúng tăng lại nghe ngài thuyết giảng về chiếc bè này. Chúng tăng ngồi xuống quanh Đức Phật, chăm chú lắng nghe. Đức Phật kể một câu chuyện đã từ xưa lắm rồi...
Chuyện kể rằng, có một người đàn ông nọ muốn vượt sông nhưng khốn nỗi bị kẹt ở trên bờ, trước sau chẳng thấy bóng người chèo thuyền nào. Mặt sông rộng lớn chẳng có cầu nào bắc ngang. Nước sông lại chảy xiết, cũng không thể nào bơi qua được mà đứng ở bên này mãi thì biết lúc nào mới về được nhà đây.
Người đàn ông ngẫm nghĩ một hồi, bèn đi dọc bờ sông nhặt lấy củi khô, lá cây, tìm dây dợ rồi ngồi đan bè. Một lúc sau, bè cũng đan xong. Ông bèn thả bè xuống nước, lấy tay chân của mình làm mái chèo mà vượt sông. Cuối cùng ông ta cũng sang được bờ bên kia.
Nhưng khi đã đặt chân lên đến bờ rồi, ông ta lại nghĩ thầm trong lòng: "Cái bè này mình đan thật là tốt, lại vừa giúp mình qua sông về nhà, thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Vậy thì mình sẽ giữ nó lại, cứ mang theo bên người ắt lại có lúc dùng đến". Đoạn, ông vác chiếc bè lên, cắp vào nách rồi bước đi.
Trời chiều mỗi lúc một tối nhanh hơn. Chiếc bè trên tay người đàn ông cũng mỗi lúc một nặng hơn. Đường về nhà ông đồi núi cheo leo, lại sẵn gánh nặng trên người, ông cứ đi được một đoạn lại phải ngồi nghỉ một đoạn, thở hổn hển. Thế rồi, khi đã trèo qua được quả đồi cuối cùng thì ông đã hoàn toàn kiệt sức, đổ vật người xuống ngay ở bậu cửa trước nhà.
Kể xong, Đức Phật mới ôn tồn giảng giải: "Này các tỳ kheo, chiếc bè chỉ có ích khi ở dưới nước, còn lúc đã sang được bờ sông thì nó trở thành gánh nặng. Người đàn ông nọ không ngộ ra được điểm này nên cứ hoài mệt mỏi gánh trên mình chiếc bè vốn đã vô dụng".
Một tỳ kheo trẻ cung kính cất lời: "Bạch sư tôn, đáng lẽ ra ông ấy nên đặt chiếc bè ngay ngắn ở bờ sông, có thể nó sẽ giúp ích cho người khác!".
Một người khác nói: "Ở dưới sông thì chiếc bè chở ông ấy. Còn trên cạn, ông ấy lại phải chở chiếc bè đi".
Đức Phật mỉm cười, ôn tồn nói: "Đúng vậy! Và chẳng phải trong các tỳ kheo đây vẫn có người giữ lại bên mình những thứ vô dụng mà mình không còn cần đến nữa đó sao? Qua sông rồi thì hãy bỏ bè, càng xả nhiều thì càng nhẹ, càng dễ thăng hoa vậy!".
***
Lời Đức Phật dạy chúng tăng "qua sông rồi thì hãy bỏ bè" quả thực tầng tầng ý nghĩa. Ở tầng nghĩa thông thường, bài học dành cho chúng ta là: hãy biết buông bỏ. Của cải vật chất chỉ là vật ngoại thân, chỉ có thể hữu dụng với ta trong một khoảng thời gian nào đó thôi. Đó không phải là thứ người ta có thể chiếm giữ cả đời, chết rồi lại mang theo được xuống sâu 3 thước đất. Biết buông bỏ thì không phải mang theo gánh nặng cả đời, được ung dung, tự tại, được hưởng thanh phúc kiếp nhân sinh.
Và ở một tầng nghĩa sâu hơn, câu chuyện của Đức Phật cũng là "gậy bổng hát" dành cho những người tu hành: đừng quá chấp trước vào những việc hữu vi. Tu luyện là trừ bỏ tâm người thường, từng bước từng bước thăng hoa lên đến cảnh giới của người giác ngộ. Như vậy, người ta không thể cứ mãi dính bám vào những chuyện hữu vi, những điều tự mình hiểu biết mà lại coi chúng như chân lý được.
Muốn đề cao tầng thứ, muốn sang đến "bờ bên kia", nhất định phải học cách xả, xả hết thảy các hình thức hữu vi để đạt đến được sự vô vi lớn hơn trong tâm. Ấy mới là con đường tu hành chân chính vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét