Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược

Trương Quả Lão, còn có tên là Trương Quả, hay gọi là Trương lão, là một trong tám vị Tiên (Bát Tiên) trong Đạo gia. Theo cuốn sách cổ Cựu Đường thư hay Tân Đương thư hoặc Đại Đường tân ngữ, quyển 10 có ghi chép lại, Trương Quả Lão Cùng với Hán Chung Li và Lã Động Tân, ông là vị tiên có nguyên mẫu là nhân vật có thật trong lịch sử. Thời nhà Đường, Trương Quả Lão sống ẩn cư ở Trung Điều Sơn, Hằng Châu. Người đương thời đều cho rằng ông có phương pháp trường sinh bất lão. Sự xuất hiện của ông được cho là bắt đầu từ khoảng giữa hay cuối thế kỷ 7 và kết thúc vào khoảng giữa thế kỷ 8 như là một thuật sĩ giang hồ được dân gian sau này thêu dệt thành thần tiên. Từ "Lão" được thêm vào tên của ông có nghĩa là "ông già".

Trương Quả Lão được biết đến như là vị tiên thường xuất hiện và vãng lai tới khu vực sông Phần & đất Tấn và mỗi ngày ông có thể đi hàng nghìn lý trên lưng con lừa trắng. Khi cuộc du hành kết thúc, ông gập con lừa lại và bỏ vào trong túi hay trong một chiếc hộp nhỏ. Khi cần dùng tới, ông lại thổi hơi hay phun nước vào và con lừa lại hoạt động trở lại.

Trương Quả Lão cũng là người thích uống và nấu rượu. Ông làm rượu từ cây cỏ như một thú vui. Các vị tiên khác trong Bát Tiên uống rượu của ông và họ tin rằng các loại rượu này có thể chữa bệnh hay tốt cho sức khỏe.

Các hoàng đế nhà Đường (Thái Tông và Cao Tông) thường mời Trương Quả Lão vào triều, nhưng ông thường khước từ. Một lần, khi Võ Tắc Thiên cho mời, ông đã đồng ý vào triều nhưng lại giả chết để không vào. Đến thời Huyền Tông, người ta lại thấy ông vãng lai trong vùng núi Hằng Châu.

Năm Khai Nguyên thứ 21 (733) thời Huyền Tông nhà Đường, Trương Quả Lão được mời tới Lạc Dương, ông từ chối không tới, cho dù Huyền Tông đã cho thông sự xá nhân Bùi Ngộ tới mời. Sau phải cho trung thư xá nhân Từ Kiệu đem thư mời có đóng ấn của hoàng đế thì ông mới tới. Huyền Tông nghi ngờ không biết ông là thần tiên hay ma quỷ nên cho gọi sư Dạ Quang Giả, một người có thể nhìn thấu ma quỷ, bí mật quan sát xem ông là ai nhưng cũng chịu bó tay, không thể biết. Huyền Tông thích những chuyện thần tiên, lại thêm công chúa Ngọc Chân cũng là người mộ đạo, nên muốn gả công chúa này cho Trương Quả Lão nhưng ông chỉ cười to mà không phụng chiếu.

Khi Hoàng đế gặp Trương Quả Lão thấy ông già yếu hom hem như vậy, liền hỏi ông: "Khanh đã đạt được thuật trường sinh bất lão nhưng sao trông khanh già yếu vậy, tóc thưa bạc, răng móm như thế?"

Trương Quả Lão trả lời: "Không có đạo thuật nào chống lại được tuổi già, cho nên tôi trông già nua như vậy. Tôi cảm thấy xấu hổ về điều này. Tuy nhiên, nếu tôi nhổ hết chỗ răng và tóc còn lại, liệu răng và tóc mới sẽ mọc lên chăng?"

Sau đó ông đứng ngay giữa trước cung điện bứt tóc bẻ răng ra, Hoàng đế thấy thế có một chút kinh sợ và gọi cận thần đưa ông xuống nghỉ. Chỉ một lát sau, Trương Qủa Lão quay lại cung điện với một diện mạo hoàn toàn mới, tóc đen dầy, răng trắng. Các quan lại trong triều thấy thế rất kính phục. Họ tới trước Trương Quả Lão hỏi xin phương pháp để cải lão hoàn đồng nhưng Trương Quả Lão khước từ .

Một ngày, Hoàng đế Đường Huyền Tông đi săn bắn và bắt được một con hươu lớn. Con hươu này có một điểm khác với các con khác. Khi nhà bếp chuẩn bị giết nó, Trương Qủa Lão thấy vậy ngay lập tức ngăn lại. Ông nói: "Đây là con hươu thần đã sống trên ngàn năm rồi. Khi Hán Vũ Đế đi săn và bắt được nó thần đã đi theo ông ta và thấy ông ta thả con hươu ngay sau đó!"

Hoàng đế Đường Huyền Tông hỏi: "Làm thế nào mà khanh có thể biết được đây là con hươu mà khanh thấy trước kia trong khi trên đời này có rất nhiều hươu và trải qua bao nhiêu năm như thế?"

Trương Quả Lão thưa: "Khi Hán Vũ Đế thả con hươu, ông đã đánh dấu trên sừng bên trái của nó bằng một miếng đồng."

Sau đó Hoàng đế Đường Huyền Tông sai người đi kiểm tra lại và quả thật thấy một miếng đồng dài khoảng hai phân nhưng hầu như không thể nhận ra chữ viết trên đó nữa. Hoàng đế Đường Huyền Tông lại hỏi: "Vậy thế từ năm Hán Vũ Đế đi săn đến nay đã trải qua bao nhiêu năm rồi?"

Trương Quả Lão thưa: "Từ đó tới nay đã 852 năm trôi qua!" Hoàng đế Đường Huyền Tông sai người đi kiểm tra lại. Người kiểm tra sau đó đã báo lên rằng thông tin này là hoàn hoàn chính xác.

Trương Quả Lão cũng được người ta tin là có thể chuyển dạng thành dơi, một biểu tượng khác của sự vĩnh cửu. Vào thời gian đó, một đạo sĩ nổi tiếng là Diệp Pháp Thiện (葉法善) rất được tin dùng vì khả năng gọi hồn của ông. Khi hoàng đế Huyền Tông hỏi Trương Quả Lão là ai, vị đạo sĩ này tâu "Thần biết, nhưng nếu thần nói với Bệ hạ thì thần phải chết ngay dưới chân Bệ hạ, vì thế thần sẽ không nói, trừ khi Bệ hạ hứa rằng sẽ đi chân đất và đầu trần tới tạ lỗi với Trương Quả Lão thì thần mới sống lại được". Huyền Tông hứa và Pháp Thiện đã tâu rằng: "Trương Quả Lão là con dơi trắng sinh ra từ hỗn nguyên". Vừa dứt lời thì Pháp Thiện gục xuống và chết ngay dưới chân hoàng đế. Huyền Tông làm theo lời hứa, đi chân đất và đầu trần tới chỗ Trương Quả Lão tạ tội. Sau khi Huyền Tông khẩn cầu Quả Lão tha tội cho mình vì tính tò mò, Trương Quả Lão đã tưới nước vào mặt Pháp Thiện và ông này sống lại.

Sau đó, Trương Quả Lão muốn quay về núi và Huyền Tông ưng cho. Ông được Huyền Tông ban cho làm Ngân Thanh quang lộc đại phu, hiệu Thông Huyền tiên sinh, ban cho 300 thếp lụa và 2 kẻ hầu hạ. Ông chết ở huyện Bồ Ngô, Hằng Châu nhưng khi các môn sinh mở nắp quan tài của ông thì họ chỉ thấy rỗng không.

Không có nhận xét nào: