Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Câu chuyện cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni và lời tiên tri cho thời đại chúng ta

 


Cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là cuộc đời của một vị hoàng tử dũng cảm đã rời bỏ cuộc sống nhung lụa nơi hoàng cung, trải qua hành trình tìm kiếm sự giác ngộ đầy khó khăn và gian khổ, cuối cùng thấy được chân lý vũ trụ và truyền bá Phật Pháp, để lại những dự liệu tiên tri cho tới tận thời đại chúng ta ngày nay… 

Giấc mơ báo trước sự đản sinh của một vĩ nhân 

Tại vương quốc Ca Tỳ La Vệ (Kapilavattsu), ngày nay thuộc nước Nepal, vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, hoàng hậu là Ma Da (Mahamaya) là vợ đức vua Tịnh Phạn (Suddodana), khi ấy sắp tới ngày sinh hạ đứa con đầu lòng, đã có một giấc mơ báo điềm đặc biệt.

Trong mơ, bà thấy rõ ràng một luồng ánh sáng trắng mỹ diệu chiếu rọi vào bà, và từ trong luồng sáng xuất hiện một con voi trắng vô cùng thánh khiết với sáu chiếc ngà. Con voi bước đến gần rồi hòa tan vào cơ thể bà. Bà đã kể lại giấc mơ với nhà vua ngay khi tỉnh lại và ngay sáng hôm đó, nhà vua cho triệu tập các nhà hiền triết. Họ cho biết rằng đó chính là điềm lành báo hiệu rằng hoàng hậu sẽ sinh ra một vĩ nhân.

Nhà vua đã vô cùng chấn động. Theo tục lệ thời đó, hoàng hậu Ma Da sẽ di chuyển về nhà mẹ đẻ để sinh nở. Đó là một ngày trăng tròn theo lịch Ấn Độ. Khi dừng chân để nghỉ ngơi tại vườn Lâm Tỳ Ni, bà bất chợt trở dạ và thế là hoàng tử vương quốc Ca Tỳ La Vệ đã hạ sinh đến cõi trần một cách nhẹ nhàng.

Trong Hindu giáo còn cho rằng Đứ Phật chính là một hóa thân của Thần bảo tồn Vishnu

Hoàng Hậu MaDa mộng gặp voi trắng
Hoàng Hậu MaDa mộng gặp voi trắng.

Một cơn mưa nhẹ sau đó đã gội rửa cho cả người mẹ và đứa trẻ. Cùng ngày đó, bảy sinh mệnh khác cũng được xuất sinh, lần lượt là cây bồ đề, công chúa Da Du Đà La (Yashodhara), con ngựa Kiền Trắc (Kantaka), người đánh xe ngựa Sa Nặc (Channa), con voi Kaludayi (người bạn thời thơ ấu của hoàng tử), và bảy kho báu vô chủ.

Hoàng tử nhỏ được đưa trở về kinh thành ngay đêm hôm đó. Năm ngày sau, hoàng tử được đặt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha), nghĩa là "người mà sẽ đạt được mục đích của mình". Rất nhiều nhà thông thái đã đến để gặp mặt và cầu chúc cho vị hoàng tử mới sinh, trong số đó có A Tư Đà, vốn là thầy dạy học cũ của nhà vua và là một người tu hành khổ hạnh đã đạt được nhiều thành tựu.

Nhà vua cảm thấy rất vinh dự bởi chuyến thăm của đạo sỹ A Tư Đà (Asita), nên cho người mang đứa trẻ đến bên vị đạo sỹ để đứa bé tỏ lòng tôn kính với ông. Ngay lập tức, A Tư Đà đứng phắt dậy và nhận ra ngay những đường nét trên cơ thể hoàng tử báo hiệu một khuynh hướng tâm linh và tôn giáo. Với năng lực siêu thường, ông nhìn thấy sự vĩ đại trong tương lai của vị hoàng tử mới sinh và chào đón cậu với những cái siết tay thật chặt.

Lời tiên đoán về cuộc đời tu hành của hoàng tử và sự cách ly khỏi thế giới đau khổ

Hoàng hậu Ma Da đột ngột qua đời 7 ngày sau đó, để lại vị trí của bà cho người em gái Kiều Đàm Di (Mahaprajapati), người sau này đã nuôi nấng hoàng tử với sự yêu thương, chăm sóc hết mực. Khi Tất Đạt Đa tròn 12 tuổi, nhà vua đã cho gọi các nhà hiền triết đến để dự đoán tương lai của hoàng tử. Họ đều nói rằng hoàng tử Tất Đạt Đa sẽ quyết định theo lối tu hành khổ hạnh nếu cậu nhìn thấy các dấu hiệu của lão, bệnh, tử hoặc gặp một nhà tu hành khổ hạnh.

Các nhà hiền triết dự đoán tương lai của hoàng tử.
Các nhà hiền triết dự đoán tương lai của hoàng tử.

Hoàn toàn không muốn con mình trở thành người tu hành, nhà vua Tịnh Phạn muốn đã sắp đặt con đường để hoàng tử nối ngôi trị vì vương quốc như một vị minh quân. Ông bèn cho canh gác cung điện nghiêm ngặt và cấm sử dụng từ "chết" hoặc "khổ" trong cung, để không tạo cho hoàng tử một khái niệm nào về sự đau khổ cõi trần thế.

Ông tách hoàng tử cách xa bất cứ điều gì có thể gợi đến cảm hứng tu hành. Do đó, hoàng tử chỉ biết hưởng thụ cuộc sống nhung lụa trong cung. Hoàng tử lớn lên và trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, được rèn luyện các kỹ năng chiến đấu và thành hôn với công chúa nước láng giềng là Da Du Đà La vào năm 16 tuổi.

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên

Con người gắng sắp đặt mọi điều, nhưng ý trời cuối cùng rồi vẫn sẽ quyết định tất cả. Đó là điều chúng ta thấy được thông qua câu chuyện cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Mặc dù bị cách ly nghiêm ngặt khỏi mọi điều có thể truyền cảm hứng tu hành, cuối cùng những gì vốn được sắp đặt cho tương lai của vị hoàng tử trẻ tuổi vẫn theo trình tự đến ngày hiển lộ…

Trong cuộc sống hoàng cung nhung lụa, Tất Đạt Đa bắt đầu xuất hiện ước mong khám phá thế giới trần tục bên ngoài cung cấm. Người đã quyết định thực hiện một chuyến đi thăm thú vương quốc và thần dân của mình.

Không có lý do chính đáng nào để ngăn cản nguyện vọng này, nhà vua đành chấp thuận và gắng bày xếp và chuẩn bị trước hoàn hảo nhất. Ông cẩn thận lên kế hoạch chuyến đi và trang hoàng mọi thứ trên lộ trình mà hoàng tử sẽ đi qua, biến tất cả thành hạnh phúc, giàu có và đẹp đẽ.

Những cảnh tượng xấu hoặc buồn khổ sẽ được loại bỏ để ngăn không cho hoàng tử nhìn thấy bốn dấu hiệu đã được chỉ ra bởi những nhà thông thái là các dấu hiệu Lão – Bệnh – Tử, hay gặp 1 nhà tu hành khổ hạnh. Nhưng tất cả sự đề phòng của nhà vua đã trở nên vô ích khi hoàng tử đi du ngoạn với người đánh xe ngựa Sa Nặc, người đã được sắp đặt sinh cùng ngày với Tất Đạt Đa.

Khi đang ngao du trong một thị trấn nhỏ, hoàng tử Tất Đạt Đa vô tình nhìn thấy khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn của một ông lão. Đó chính là dấu hiệu đầu tiên trong dự báo của các nhà tiên tri: dấu hiệu của Lão. Tất Đạt Đa ngạc nhiên và hỏi Sa Nặc về người đàn ông đó.

Rồi cậu lại nhìn thấy một người đàn ông bị bệnh và đang ho, nó khiến người cảm thấy khó lý giải. Đó là dấu hiệu thứ 2 mà các nhà tiên tri đã nói: Bệnh. Cuối cùng, hoàng tử bắt gặp một đám tang ở bờ sông và một nhà tu hành khổ hạnh—người đã từ bỏ tất cả các niềm vui thế tục để đạt được sự an lạc trong nội tâm và hạnh phúc vĩnh hằng.

Vậy là 2 dấu hiệu cuối cùng là Tử và sự hiện diện của một người tu hành khổ hạnh đã xuất hiện trước mắt Tất Đạt Đa. Sự an lạc từ bi trên gương mặt của nhà sư đã gây ấn tượng mạnh cho Tất Đạt Đa. Người hỏi Sa Nặc ý nghĩa của tất cả những thứ này. Người đánh xe ngựa kể cho hoàng tử nghe về hiện thực của cuộc sống mà đáng ra nên được biết từ lâu.

Trở lại cung điện, Tất Đạt Đa đã xin phép vua cha cho rời cung điện và trở thành một nhà sư khất thực để tìm kiếm chân lý cuộc đời.

Thái Tử rời khỏi hành cung để đi tìm chân lý cuộc đời
Thái Tử rời khỏi hành cung để đi tìm chân lý cuộc đời.

Với những hạt giống tiềm ẩn được gieo sẵn trong tâm hoàng tử, khi gặp hiện thực xã hội, người đã ngay lập tức hiểu được rằng hết thảy mọi thứ trên đời là phù du và huyễn hoặc và thoảng qua, sự vĩnh hằng của sinh mệnh mới là điều chân chính cần phải kiếm tìm.

Nhà vua Tịnh Phạn cảm thấy rất đau khổ và thất vọng, những gì ông trù tính rốt cuộc cũng không thành công. Nhà vua bèn sai binh lính tăng cường phòng ngự nghiêm ngặt xung quanh cung điện, đồng thời tổ chức thêm nhiều thú vui tiêu khiển để níu chân hoàng tử, hy vọng làm con mình quên đi những gì đã gặp ngoài xã hội. Đúng lúc này, phu nhân hoàng tử, công chúa Da Du Đà La đã sinh hạ người con đầu tiên mà cậu đặt tên là La Hầu La (Rahula), nghĩa là "sự ràng buộc."

Tất Đạt Đa thấy cuộc sống nhung lụa vô nghĩa và cuối cùng đã quyết định bỏ trốn trên con ngựa Kiền Trắc với sự giúp đỡ của người thầy thân tín, Sắc Na. Hoàng tử đã thức dậy trong đêm, nhìn vợ con lần cuối, rồi lên ngựa, và phóng đi. Trước cổng thành, hoàng tử cắt đi mái tóc dày và giao lại chiếc áo choàng hoàng tử cho Sắc Na.

Hành trình đầy gian khổ tìm kiếm chân lý cuộc đời của Tất Đạt Đa

Sau khi rời khỏi cung điện, Tất Đạt Đa đi đến Vương Xá Thành, kinh đô của nước Ma Kiệt Đà thời Ấn Độ cổ, nơi người gặp một số vị sư đang thiền định trong các hang động trên núi. Hoàng tử trở thành đồ đệ của nhà tu hành A La La Ca Lam (Alara Klama), và được dạy cho cách tu luyện. Sau một thời gian tu luyện, hoàng tử không thấy tiến bộ hơn nữa nên theo học một nhà tu ẩn dật tên là Ưu Đà La La Ma Tử (Uddaka Ramaputta).

Tuy nhiên, sau một thời gian, người lại nhận ra rằng không thể tiến bộ thêm nữa. Do đó, Tất Đạt Đa tham gia cùng với năm nhà tu hành ở trong rừng Benares để tu luyện bằng cách hành xác, ăn cực ít và trải nghiệm sự khắc khổ. Từ đó trở đi, người ta bắt đầu gọi hoàng tử Tất Đạt Đa dưới cái tên Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), nghĩa là "nhà hiền triết của dòng họ Thích Ca". Sau khi tu luyện như vậy được sáu năm, Thích Ca Mâu Ni phát hiện ra rằng ông chưa đạt được sự giác ngộ nhưng thân thể thường nhân của ông đã trở nên vô cùng suy kiệt.

Vào một ngày khi ông đang thiền định, ông bất chợt nghe thấy cuộc trò chuyện giữa hai nhạc công trên một con thuyền. Người nhạc công dày dạn kinh nghiệm nói với người tập việc rằng các sợi dây của đàn nguyệt không nên quá căng hoặc quá chùng. Nếu dây được kéo quá căng, chúng sẽ đứt; và nếu được kéo quá trùng, âm thanh phát ra sẽ không đúng nữa.

Ngay khi nghe được điều này, Thích Ca Mâu Ni chợt giác ngộ ra được đạo lý trung dung (đi đường giữa) và không đi sang phía cực đoan; sau đó ông rời đi để tản bộ. Trên đường đi, ông gặp một cô thôn nữ tên là Sujata, và cô tỏ ý muốn bố thí bánh gạo cho Thích Ca Mâu Ni; vốn giờ đã quá suy kiệt. Truyền thuyết kể lại rằng thân thể của Thích Ca Mâu Ni đã trở về bình thường ngay sau khi ăn nó.

Cô thôn nữ tên là Sujata bố thí bánh gạo cho đức Thích Ca Mâu Ni
Cô thôn nữ tên là Sujata bố thí bánh gạo cho đức Thích Ca Mâu Ni.

Giác ngộ

Sau đó ông đã ngồi dưới cội Bồ Đề trong rừng Urvela và nguyện sẽ không ra khỏi trạng thái thiền định nếu không đạt được sự giác ngộ. Ông đã đối mặt với sự can nhiễu từ một con quỷ tên là Mara, nó dùng trăm mưu nghìn kế để quấy nhiễu ông nhưng không thể nào xoay chuyển được ý chí kiên định của Thích Ca Mâu Ni.

Khi chứng kiến việc Thích Ca Mâu Ni đột phá khỏi sự kiềm tỏa của ham muốn và ràng buộc, Mara trở nên cực kỳ phẫn nộ và nó gửi hàng tá ma quỷ có vũ khí đến để tấn công Thích Ca Mâu Ni, nhưng Ngài vẫn giữ nguyên trạng thái bất động.

Sau khi bị đánh bại và nhận ra rằng nó sẽ không tài nào can nhiễu được đến định lực phi phàm của Thích Ca Mâu Ni, Mara đã mỉa mai ông và nói rằng mặc dù ông đã chiến thắng, nhưng sẽ không có ai chứng kiến được điều này. Thích Ca Mâu Ni chạm tay xuống mặt đất, ám chỉ rằng đất sẽ là vật chứng kiến.

Mặt đất bất giác rung chuyển như để đáp lại rằng nó sẽ chứng kiến cho sự vinh diệu của Thích Ca Mâu Ni. Từ khoảnh khắc đó, Thích Ca Mâu Ni tiếp tục quá trình thiền định của ông và cuối cùng đã đạt được sự giác ngộ, trí huệ của ông đã được khai mở, và ông đã đạt đến cảnh giới của Phật sau 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề.

Thực hiện sứ mệnh tiền định: Truyền rộng Phật Pháp, từ bi cứu độ chúng sinh 

Ngay sau khi chứng đắc quả vị Phật, ông bắt đầu sứ mệnh tiền định của mình là truyền rộng Phật Pháp, cứu độ chúng sinh. Thích Ca Mâu Ni đã giảng bài Pháp đầu tiên cho những người đồng tu trước đây của ông, năm nhà tu hành ở Benares. Dần dần, số lượng các đồ đệ của ông đã tăng lên đến con số 80.000.

Khi vua Tịnh Phạn biết được rằng con trai ông đã trở thành một vị Phật, ông đã cho mời Thích Ca Mâu Ni vào cung và quở trách việc ông đã đi xin ăn trong khi ông giàu đến nỗi có thể nuôi hàng nghìn tín đồ. Thích Ca Mâu Ni giải thích cho cha rằng đó là một yêu cầu của hệ thống tu luyện của ông.

Trong thời gian này, người em trai cùng cha khác mẹ A Nan Đà (Ananda) của Thích Ca Mâu Ni, người sẽ được phong làm hoàng thái tử và có đính ước với công chúa Tôn Đà Lị (Sundari), cũng quyết định bước chân vào con đường tu luyện và trở thành đồ đệ của Thích Ca Mâu Ni. Sau đó, con trai của Thích Ca Mâu Ni là La Hầu La và mẹ cũng đã trở thành đồ đệ của ông.

Tuy nhiên, những can nhiễu và ghen tỵ hãm hại cũng có: Đề Bà Đạt Đa (Devadutta), anh họ của Thích Ca Mâu Ni, đã cố gắng sát hại ông rất nhiều lần vì lòng ghen tỵ, nhưng Đức Phật đều tha thứ cho ông với lòng từ bi của mình. Tướng cướp Vô Não (Ương Quật Ma La – Angulimal) cũng đã cố gắng sát hại ông nhưng cuối cùng lòng từ bi của ông đã hóa giải tất cả và khiến tướng cướp quy phục và cũng trở thành đồ đệ của ông.

Chúng ta thấy một chân lý qua câu chuyện: Lòng từ bi của Phật có thể hóa giải tất cả

Vào đêm trăng tròn đúng tháng sinh của mình, năm 483 TCN, Thích Ca Mâu Ni đã truyền dạy đệ tử lần cuối trước khi nhập Niết Bàn.

Những lời tiên tri của Phật Thích Ca Mâu Ni về sự đản sinh của một vị Phật tương lai

Trong rất nhiều lời truyền giảng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để lại những lời tiên tri về thời mạt kiếp về sự đản sinh của một vị Phật tương lai, 2500 năm sau khi Ngài tạ thế, ứng với thời đại ngày hôm nay của chúng ta…

Kinh Phật ghi lại "Long Hoa tam hội nguyện tương phùng, sau năm mươi ức năm, Phật Di Lặc hạ thế, giảng Pháp tam biến, độ hết tất cả chúng sinh hữu duyên".

Quyển 8 kinh "Huệ Lâm Âm Nghĩa", có nhắc tới sự đản sinh của một đức Phật Như Lai hay một đức Chuyển Luân Thánh Vương, và sự đản sinh của Ngài sẽ đi cùng dấu hiệu nơi thế gian là những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt, có khả năng mọc trên bất kỳ chất liệu nào mà những loài hoa thông thường không thể mọc được như đồng, sắt thép, thủy tinh, keo dán, trái cây, thực vật, và những bông hoa này cũng được lưu giữ đến hàng năm không phai tàn…

Kinh Huệ Lâm Âm Nghĩa viết: "Ưu Đàm Hoa, là lược dịch sai từ tiếng Phạn Cổ. Đúng Phạn Ngữ là Ô Đàm Bạt La, nghĩa là điềm lành linh dị. Đây là thiên hoa, thế gian không có loại hoa này. Nếu Như Lai giáng sinh, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện nơi thế gian con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại đức và đại ân của Ngài"

Quyển 4 kinh "Pháp Hoa Văn Cú" viết: "Ưu Đàm Hoa, có nghĩa là may mắn linh thiêng. Ba nghìn năm mới nở một lần, khi nở là Kim Luân Vương xuất hiện."

Kinh Phật cũng ghi lại rằng Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua lý tưởng, người sẽ cai trị thế giới không phải bằng vũ lực mà bằng công lý. Những ai dùng thiện để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội gặp đức Chuyển Luân Thánh Vương, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào – Phật giáo, Cơ Đốc giáo, Khổng giáo hay một tín ngưỡi nào khác.

Những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt...Ảnh chụp thật bởi Thời Báo Đại Kỷ Nguyên, kích cỡ phóng to 400 lần, nhìn rõ thân hoa trong suốt như pha lê và từng lớp cánh mỏng phát sáng.
Những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt… Ảnh chụp thật bởi Thời Báo Đại Kỷ Nguyên, kích cỡ phóng to 400 lần, nhìn rõ thân hoa trong suốt như pha lê và từng lớp cánh mỏng phát sáng.

Lời tiên tri trong kinh Phật đã ứng nghiệm, những bông hoa Ưu Đàm Bà La hiện giờ đã khai nở khắp nơi, phải chăng Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã có mặt tại nhân gian và đang cứu độ chúng sinh rồi?

Một nhà sư người Đài Loan, Thích Chứng Thông đã viết bài thơ cảm kích:

Khi Phật tại thế ta đắc Pháp
Khi Phật Chính Pháp ta đang tìm
Mừng gặp kiếp này đủ phúc phận
Được thấy chân Phật thân vàng kim.

Linh thú Trầm Nê Ngư

 


Trầm Nê Ngư là loại linh thú thuộc Ngư Bộ, trong tiếng Hán, "trầm" có nghĩa là chìm đắm, "nê" là bùn lầy. Chúng xuất hiện ở bất kể nơi nào có chúng sinh đang chìm đắm trong thất tình lục dục. Trong Phật Giáo, chúng sinh vì vướng phải ba độc: tham, sân, si mà đời đời kiếp kiếp trầm luân khổ ải. Vì khởi các niệm tham, sân, si mà xung quanh mình toát ra vô vàn ám khí. Nói đến đây lại phải nhắc đến một câu chuyện từ thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Một buổi sáng trong lành, Đức Phật thức dậy từ rất sớm, ngài tản bộ xung quanh tinh xá, tình cờ con chim trên cây đang ăn trái bay xuống đậu lên vai Ngài mà hót. Đúng lúc đó, Anan tôn giả đến tìm Thế tôn có việc cần nói, tôn giả vừa đi đến con chim lập tức bay đi, thế nhưng khi Thế tôn bước ra xa tôn giả thì chim lại bay về đậu trên vai. Anan vô cùng thắc mắc, Thế tôn dạy rằng: "Ông tuy đời này sớm giác ngộ chánh pháp nhưng vì những đời trước có gieo nghiệp sát, ám khí từ kiếp trước đến nay vẫn còn quanh quẩn theo mình thế nên chim mới sợ hãi mà bay mất".

Như vậy, do chúng sinh tạo nhiều ác nghiệp mà tích tụ vô số ám khí quanh mình. Một trong các loại ám khí có tên gọi là trầm nê khí_loại khí của dục tính. Trầm Nê Ngư chính là sự tích tụ của trầm nê khí ở khắp ba ngàn thế giới mà thành, nói cách khác, nó chính là hiện thân của dục khí khắp mọi nơi.

Trầm Nê Ngư được miêu tả có thân hình to dài, xám xịt, trông tựa như loài lươn, chạch. Trầm Nê Ngư không giống các loài thủy tộc khác, chúng không sống ở các hà lưu hải vực mà tụ thành bầy tụ tập ở nơi tăm tối. Đặc biệt, chúng thường quấn mình trên khe cửa, bình phong, cột chèo của chùa chiền, đền miếu_nơi mà con người ta cần trút bỏ tạp niệm để lắng lòng thanh tịnh, chúng sẽ đến gần hấp thụ tạp khí của con người để họ hoàn toàn "sạch sẽ" mà diện kiến thần phật. Đối với những người đi theo con đường tu tập, nếu đang hành thiền hay tụng kinh mà phát khởi trầm nê niệm, chúng sẽ đến hấp thụ hết trầm nê khí, người đó không còn vướng mắc thất tình lục dục sẽ thoải mái mà tu tập. Nhưng nếu người đó được hấp tụ hết trầm nê khí xong mà trên người vẫn còn vướng những sợi tơ dục chứng tỏ vẫn còn ham muốn sẵn sàng phát khởi, chúng sẽ vì vậy mà ở lại để háp thụ thêm, người đó sẽ bị lây nghiễm trầm nê của chúng mà dục tính càng tăng cao hơn.

Trầm Nê Ngư không chỉ tồn hại ở hạ giới mà ở các tầng trời cũng có, tuy chư Thiên là những vị đã đắc đạo được thăng thiên hưởng khoái lạc thế nhưng vẫn có vướng mắc một ít dục niệm. Chỉ cần họ sơ suất phát khởi, chúng từ những áng mây đen sẽ tìm đến hấp thụ, vị đó ngay lập tức sẽ bị rơi xuống hạ giới tiếp tục trầm luân khổ ải.

KHỔNG TƯỚC MINH VƯƠNG BỒ TÁT


Khổng Tước Minh Vương vốn là con chim Khổng Tước đầu tiên có từ thời khai thiên lập địa, lông vũ màu vàng ròng, to lớn vĩ đại, là vua của loài chim khổng tước, qua mấy ngàn năm đã tu luyện thành công phép Ngũ sắc thần quang và về sau được Đức Chuẩn Đề Vương Bồ tát hóa độ.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng miêu tả vị Bồ tát này đầu đội mão anh lạc, quanh người đeo các thứ trang sức bằng châu báu sáng ngời, ngồi thế kiết già trên đóa bạch liên, ngự trên lưng con khổng tước thân kim sắc. Phật mẫu Khổng Tước hiện ra từ bi đại tướng có bốn cánh tay: tay thứ nhất bên phải cầm hoa sen bung nở, tay thứ hai bên phải cầm trái Câu Duyên, tay thứ nhất bên trái đặt ấn Kiết Tường, tay thứ hai bên trái cầm lông vũ chim khổng tước. Về sau, Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát trở thành vị tôn giả hầu cận Đức Phật.

Nguyên căn của việc Chuẩn Đề Bồ tát hóa độ Khổng Tước phải kể từ khi Ngài còn ở kiếp làm chim Khổng Tước, Đức Phật kể rằng: "Vào một kiếp xa xưa có con Khổng Tước toàn thân phủ kim sắc, thường ngày siêng năng trì thụ thần chú rất tinh tấn, vì vậy mà thần chú luôn phóng quang bảo vệ Khổng Tước, bất cứ thứ gì cũng không làm hại được nó. Một hôm nọ Khổng Tước vì mê đắm ái dục đã cùng bầy công mái dạo chơi ở một khu rừng rất xa, mãi vui chơi nên quên mất trì chú, Khổng Tước bị thợ săn bắt được. May sao lúc bị bắt nó kịp hồi phục chánh niệm, lập tức trì tụng thần chú nhờ vậy mà thoát được trùng vây."

Truyền thuyết Mật tông nói rằng, khi Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai đắc đạo, lúc đó Khổng Tước chưa được Ngài Chuẩn Đề hóa độ, bản tính hung hăng đã nuốt Như Lai vào bụng. Không ngờ từ trên lưng Khổng Tước lại hiện ra vết nứt lớn, Như Lai từ trong vết nứt mà phóng quang thoát ra ngoài, lúc Như Lai ngự trên lưng Khổng Tước thì vết nứt kia lập tức liền lại. Chính vì Như Lai từng ở trong bụng Khổng Tước cho nên về sau khi đắc thành đạo quả được gọi là Khổng Tước Phật Mẫu. Cũng chính vì sự việc này mà con đại bàng Kim Sí Điểu trốn xuống trần làm yêu quái, ngang nhiên bắt Đường Tăng, nó ngang tàng hống hách tự xưng là cậu của Như Lai cũng chính bởi Kim Sí Điểu vốn là em trai của Khổng Tước, đều là con của Phượng Hoàng.

Ở một câu chuyện khác, khi chim công là dòng dõi được lưu truyền của chim Phượng Hoàngnên cũng thuộc hàng thiên giới. Vào thời Phong Thần con chim này đã thác sanh xuống thế gian tên là Khổng Tuyên, vốn là một viên tướng tài ba của nhà Thương, đã phụng lệnh vua Trụ lãnh binh đánh Khương Tử Nha. Khổng Tuyên có thần lực tỏa hào quang ngũ sắc cực kì mạnh mẽ, có thể thâu tóm các loại bảo khí của Tiên gia dễ dàng. Kể cả Tứ Đại Thiên Vương cũng đành chịu thua, vì không có cách nào khắc chế hào quang ngũ sắc kia nên Khương Thượng thỉnh mời Chuẩn Đề Vương Bồ tát từ Tây Phương đến hàn phục Khổng Tuyên. Về sau Khổng Tuyên theo Ngài Chuẩn đề tu hành, Khổng Tước từ đó nguyện thọ trì phật pháp. Khổng Tước nguyện theo Chuẩn Đề Bồ tát tu hành, nguyện lấy thân làm bảo tọa cho ngài ngồi để đền ơn hóa độ.

Trong tác phẩm "Mạn Hoa", trong trận chiến long trời lở đất, quỷ khốc thần sầu của Như Lai và Thiên Ma. Cuối cùng Như Lai dùng thần chú phong ấn Thiên Ma. Không ngờ, 500 năm sau Khổng Tước là một trong sáu đại minh vương lại vô tình giải thoát cho Thiên Ma ra khỏi phong ấn. 

TIÊU DIỆN ĐẠI SĨ

 
Tiêu Diện Đại Sĩ hay còn gọi là ông Tiêu, ông Ác, là một trong hai vị hộ pháp của Phật Giáo. Ông được miêu tả là một người có dáng vẻ uy nghi đạo mạo, mặc trang phục võ tướng, tay phải cầm lá cờ, tay trái chống nạnh, gương mặt quái dị với ba cái sừng nhọn trên đầu và trán, hai mắt lồi to trợn ngược, cái miệng rộng nhe răng lởm chởm, đặc biệt nhất là chiếc lưỡi thè cong dài.

Tương truyền, Tiêu Diện Đại Sĩ chính là một hình tướng khác của Bồ tát Quan Âm. Một mặt thì là người nữ dịu hiền, mặc trang phục thanh thoát, cầm bình cam lộ rưới hạt dương chi cứu khổ chúng sinh. Một mặt thì là hình dáng đáng sợ, hung tợn, sẵn sàng diệt trừ cái ác. Đặc trưng nhất của ông chính là chiếc lưỡi dài đáng sợ. Cõi ma quỷ rất nhiều thế lực hung ác. nếu hiện tướng hiền từ, từ bi thì chắc ko giáo hóa được ai. bồ tát phải dùng tới hình tướng hung bạo, chế ngự và dẫn dắt các dân quỷ ngưng làm các việc ác, làm các việc lành, tích lũy phước đức, dần dần thoát khỏi con đường ác, tái sanh vào các cỗi trời, người và tu tập tiếp.

Một lần, Quan Âm Bồ tát trên đường đi cứu độ, quỷ vương ngăn đường, xuất hình tướng mắt lồi răng nanh dọa dẫm. Quan Âm Bồ tát có đủ quyền phép để tiêu diệt quỷ vương ngay lập tức. Nhưng, Bồ tát Quan Âm đã không dùng quyền phép, mà xuất hình tướng như quỷ vương. Quỷ vương rùng mình, đầu đội ba quả núi. Quan Âm đội ba quả núi to hơn. Quỷ vương lè lưỡi dài đến ngực. Quan Âm Bồ tát lè lưỡi dài quá ngực. Biết gặp phải cao nhơn, quỷ vương chịu khuất phục, biến mất. Đó là lý do vì sao khi thực hiện lễ “xô giàn thí thực” trong cúng chợ, cúng chùa, lũ trẻ thường cố giành cho được cái lưỡi ông Tiêu. Lưỡi ông Tiêu như một linh vật được dùng để may bùa, làm niệc cổ hoặc lót gối để trẻ con ngủ yên, yêu quỷ không quấy phá. Quỷ vương còn kiêng sợ, huống gì yêu quỷ tép riu.

 

Bồ Đề Đạt Ma là vị tổ thứ 28 của Phật Giáo, ông là người có công mang kinh điển và giáo lý đạo Phật sang phát triển ở Trung Quốc, sau này ông trở thành sơ tổ của Thiền Tông Trung Hoa đồng thời là người sáng lập võ học Thiếu Lâm.

Tương truyền, sau khi đức Thích Ca Mâu Ni nhập tịch, Ngài đã truyền lại pháp ấn cho các đệ tử để lưu truyền mạng mạch phật pháp. Bát Nhã Đa La chính là vị tổ thứ 27, trong một lần đến nước Hương Chí đàm đạo với hoàng tử Bồ Đề Đa La, Ngài đã nhận hoàng tử làm đồ đệ đặt cho pháp danh là Đạt Ma. Về sau, Đạt Ma theo lời sư phụ mà sang vùng Đông thổ để hoằng dương chánh pháp và trở thành thủy tổ của Phật giáo Trung Quốc, cũng từ đó mà trở thành người truyền bá đạo Phật cho toàn phương Đông. Vào thời vua Lương Võ Đế, Đạt Ma đã ngồi thuyền cập bến Quảng Châu, dân Quảng Đông thấy ngài đen đúa như củ súng, tóc tai bờm xờm nên gọi là "Ma la xát". Lúc ấy, Lương Võ Đế là người kính trọng Phật pháp đã mời Đạt Ma vào triều để thỉnh pháp. Thế nhưng vì tư tưởng của Lương Võ Đế quá trọng vào hình thức, vẫn chưa ngộ được nghĩa lý "sắc - không" của nhà Phật nên Đạt Ma đã rời đi. Sau khi Ngài đi, Lương Võ Đế đã hỏi một vị cao tăng bấy giờ pháp hiệu là Chí Công, vị hòa thượng nói với vua rằng đó chính là Quan Âm Đại Sĩ hiện thân truyền trao pháp khẩu, Lương Võ Đế liền sai người đuổi theo thỉnh mời nhưng quá chậm trễ, Đạt Ma đã lên thuyền đi Tung Sơn.

Lúc đi về phía Bắc băng qua sông Trường Giang sóng nước nổi lên cuồn cuộn lại không có thuyền bè qua sông, Ngài bứt nhánh cỏ lau quăng xuống nước rồi đạp lên, Đạt Ma cứ thế mà rẽ sóng đi qua bờ ngạn bên kia, người Trung Hoa bấy giờ nhìn thấy tin rằng ông chính là Bồ tát thị hiện. Sau khi đến Tung Sơn, Ngài vào động Thiếu Thất ở núi Ngũ Nhũ Phong mà quay mặt vào tường thiền định 9 năm, từ đó người đời gọi Ngài là "Quán Bích Bà la môn". Đến nay, ở Trung Hoa vẫn còn tồn tại một pháp môn thiền định tên là "Đạt Ma diện bích công". Lại nói, bấy giờ có vị sư pháp danh Thần Quang bị Diêm Ma Vương sai Hắc Bạch Vô Thường Quỷ đến báo rằng thọ mạng không còn bao lâu. Thần Quang vội vã đến tìm Đạt Ma xin được học pháp liễu sanh tử, vừa nghe ý cầu đạo của người kia Đạt Ma liền lặng im quay mặt vào tường mà tiếp tục nhập thiền. Ngài thiền hết 9 năm, vào mùa Đông năm ấy mới mở mắt xả định nhìn thấy Thần Quang vẫn đứng đó tuyết đã phủ qua gối, thấy được lòng cầu thị nên Đạt Ma cho phép bái sư đổi pháp hiệu là Huệ Khả.

Có rất nhiều truyền tích nói về việc Đạt Ma viên tịch, trong đó phổ biến nhất là việc tên quốc sư nhà Ngụy tên Bồ Đề Lưu Chi vì thấy danh tiếng Đạt Ma lẫy lừng nên sinh tâm ganh ghét đã nhiều lần cúng dường cho Ngài và lén bỏ độc vào vật thực. Sáu lần bị hại, Đạt Ma biết trong cơm có độc nhưng vẫn ăn sau đó nôn ra con rắn độc, cứ như vậy mà không hề hấn gì. Đến lần thứ 7 Lưu Chi rắp tâm hãm hại, Đạt Ma tự biết mình đã truyền thừa được tâm ấn là 4 cuốn kinh Lăng Già cho Huệ Khả, việc hoằng dương Phật pháp ở Đông thổ coi như viên mãn, Ngài an nhiên dùng món cơm chứa độc mà không hề nôn ra con rắn nào và cứ thế mà nhập tịch. Di cốt của Đạt Ma được an táng tại núi Hùng Lĩnh Sơn, tại đó được xây nên một ngôi bảo tháp, người dân truyền rằng vẫn thường thấy Đạt Ma ung dung đi dạo quanh đó, thần thái uy nghi, tay cầm thiền trượng. Câu chuyện viên tịch của Đạt Ma chưa dừng lại ở đó. Sử sách còn chép lại rằng, ba năm sau ngày Đạt Ma viên tịch, một vị quan nhà Ngụy tên là Tống Vân đi sứ Tây Vực khi qua ngọn Thông Lĩnh thì gặp một vị sư tay cầm chiếc giày đang đi như bay về hướng Tây. Tống Vân biết đó là sư Đạt Ma, từ Thiên Trúc đến Đông Thổ truyền pháp, mới chặn lại hỏi:

- Đại sư, pháp của ngài đã truyền cho ai rồi?.

Đạt Ma đáp:

- Sau này ngươi sẽ biết, giờ ta phải đi Thiên Trúc rồi!.

Nói xong, Đạt Ma bỏ chiếc giày đang cầm trên tay đưa cho Tống Vân, nói:

- Ngươi hãy dùng chiếc giày này mau trở về đi, chủ nhà ngươi khó mà qua được ngày hôm nay.

Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giã Đạt Ma rồi hấp tấp trở về kinh thành thì quả thực vua Minh Ðế đã băng hà. Tống Vân thấy việc Đạt Ma nói rất đúng, nên đem Đạt Ma dự báo trước cái chết của Minh Đế tâu lên với vua Hiếu Trang mới vừa tức vị. Nhà vua không tin, cho lệnh tống giam Tống Vân vào ngục tối. Một thời gian sau, khi đã bớt giận, vua Hiếu Trang mới cho gọi Tống Vấn đến và hỏi rõ ngọn ngành. Tống Vân lúc này mới đem chuyện gặp Đạt Ma nói lại với vua. Vua nghe xong ra lệnh quật mộ Đạt Ma lên để kiểm chứng. Khi quan tài được mở ra, trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dày cũ.

Trong khu vực lăng mộ của Ðạt Ma, có tấm bia đá lớn, trên ghi những lời của Lương Võ đế Tiêu Khản đã ca tụng Ðạt Ma và những công đức của Người. Truyện kể, khi xưa, vì làm Người phật ý bỏ đi, vua Tiêu Khản rất hối hận, đã cho kẻ hạ thần đuổi theo, để thỉnh Người về, nhưng đã muộn vì Người đã quá giang sang tới nước Ngụy. Sau khi Ðạt Ma viên tịch, Lương Võ Ðế cho xây lên tấm bia thạch nói trên để kỷ niệm Người. Ngày nay, trên chùa Thiếu Lâm, trong ngôi "Thiên Phật Ðiện" có đặt thờ một phiến đá rất quý và linh thiêng, đó là tấm "Diện bích ảnh thạch", đá cao ngoài thước tây, trên mặt đá có những đường chấm phá tự nhiên như bức tranh thủy mặc, miêu tả đầy đủ hình dong tướng mạo của Ðạt Ma. Theo truyền thuyết, trong suốt quá trình 9 năm trường ngồi ngó vách nhập định, hình hài Ðạt Ma đã được phóng xạ và ghi tạc lên phiến đá. Nghe nói, nếu ai có duyên may mắn, được kề cận bên tấm đá linh thiêng này để ngồi thiền, sẽ dễ dàng nhập được vào cuộc định, tựa như đã tiếp nhận được sự gia trì của Ðạt Ma Thiền Sư vậy.

Đến nay, mùng 5 tháng 10 âm lịch được xem là ngày Đạt Ma giáng thế tại Thiên Trúc, tín đồ Phật giáo một lòng chí thành kính bái Đệ Nhất Tổ Sư.


TỨ ĐẠI THIÊN VƯƠNG

 

Tứ đại thiên vương được xem là những người canh giữ thượng giới, bảo vệ nhân gian, chống lại tà ma ác quỷ, tứ đại thiên vương đều là những vị thần có pháp lực vô cùng cao cường. Các vị thiên vương chiến đấu chống cái ác và bảo vệ những nơi Phật pháp được truyền bá. Thân thể các vị được áo giáp che chở, đầu mang giáp sắt.

Tứ đại thiên vương còn được dân gian thường gọi là "Tứ đại Kim cương". Các Thiên vương ngoài việc giữ gìn Phật pháp còn có trách nhiệm trông nom bốn phương cho mưa thuận gió hoà. Vì thế các Thiên vương cũng được gọi là "Hộ thế Thiên tôn". 

Bao gồm:

Bắc thiên vương Đa Văn Thiên: Đây là vị thần trấn phương Bắc, toàn thân màu đỏ. Có nhiệm vụ theo dõi thế giới, bảo hộ nhân dân, trên tay cầm cây dù thần Hỗn Nguyên Tán, chịu trách nhiệm chính trong việc cai quan Thiên môn.

Nam thiên vương Tăng Trưởng Thiên: Đây là vị thần trấn phương Nam, toàn thân màu xanh lục giúp chúng sinh tăng trưởng thiện căn, bảo vệ cho Phật Pháp không bị xâm phạm. Vị này có món pháp khí lợi hại là thanh Thanh Vân kiếm, trên kiếm có mang bùa, thân kiếm khắc bốn chữ Địa, Thủy, Hỏa, Phong. Khi chỉ kiếm niệm chú thì lửa và gió cùng nổi lên một lúc, giết hại quân đối phương.

Đông thiên vương Trì Quốc Thiên: vị thần trấn phương Đông, toàn thân màu xanh dương giúp bảo hộ chúng sinh, hộ trì quốc thổ. Tay cầm đàn tỳ bà, biểu thị sự vui vẻ, dùng âm nhạc giáo hóa chúng sinh.

Tây thiên vương Quảng Mục Thiên: vị thần trấn phương Tây, mang sắc Trắng, tay cầm con rắn/ hoặc con rồng đỏ biểu tượng cho sự suôn sẻ, thuận lợi. Ông được miêu tả là có đôi mắt rất to để theo dõi thế giới và bảo hộ nhân dân.

Truyền thuyết Trung Quốc đã nhắc các vị này từ thế kỷ thứ 4, nhưng đến đời Đường (thế kỷ thứ 7) người ta mới thật sự thờ cúng các vị Thiên vương. Mỗi vị này có 91 con trai và 8 tướng quân, giúp canh giữ mười phương thế giới. Tương truyền rằng, năm 742, Đại sư Bất Không Kim Cương (sa. amoghavajra, Mật tông) niệm chú Đà La Ni gọi các vị Thiên tướng xuống giúp chống ngoại xâm. Vị Bắc Thiên vương và Tây Thiên vương hiện xuống đẩy lùi giặc, nhà vua nhớ ơn cho xây tượng các vị trong chùa chiền.

Sau khi đạo Phật truyền nhập vào Trung Quốc, Tứ đại Thiên vương đã có những trang phục, binh khí, thậm chí chức trách Hán hoá.

Thiên vương Tăng Trưởng cầm kiếm vì mũi kiếm được gọi là "phong" (mũi nhọn), đã lấy chữ đồng âm là "phong" (gió), và chức trách của ông ta là "phong".

Thiên vương Trì Quốc ôm cây đàn tì bà, và muốn gảy đàn thì trước hết phải điều chỉnh các dây, cho nên lấy chữ "điều", và chức vụ của ông ta là "điều".

Thiên vương Đa Văn cầm cái dù. Vì trời có mưa thì mới phải cầm dù, cho nên lấy chữ "vũ" (mưa), và chức vụ của ông ta là "vũ.

Thiên vương Quảng Mục có con rồng quấn trên tay. Vì rồng và rắn đều phải "thuận", cho nên lấy chữ "thuận", và chức vụ của ông ta là "thuận".

Văn hóa của người Hán vốn có tính bao dung rất lớn, vì thế đã làm cho bốn vị thiên thần từ nước ngoài du nhập vào trở thành những vị thần linh chính cống Trung Quốc. Người dân đã gửi gắm vào các vị ấy ước mơ hạnh phúc của dân tộc mình, cùng với tâm nguyện mưu cầu hòa bình tốt đẹp.

Tứ đại thiên vương được cho là đang sống ở tầng trời Cātummahārājika, (tiếng Pāli Cātummahārājika, "của Tứ Đại Vương") trên sườn thấp của núi Tu Di, đó là mức thấp nhất của các chư thiên của Dục giới (Kāmadhātu). Họ là những người bảo vệ của thế giới và chống lại cái ác, mỗi người có thể chỉ huy một quân đoàn của những sinh vật siêu nhiên để bảo vệ Pháp.

Sự tích Mừng Xuân Di Lặc

 

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, mọi người dân Việt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này cũng đều nô nức, hân hoan chào đón mùa xuân nhân loại.

Khi đến chùa vào ngày mùng một tết nguyên đán người ta lại để băng rôn "Mừng Xuân Di Lặc"?.

"Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò"

Khác với Nhiên Đăng Cổ Phật đại diện cho quá khứ, Đức Thích Ca đại diện cho hiện tại, thì Phật Di Lặc chính là vị phật đại diện cho vị lai. Theo kinh điển Phật giáo vào khoảng 56 ức 7 nghìn vạn năm nữa, khi Phật pháp đã hoàn toàn bị người đời lãng quên, con người sống trong tội lỗi, Phật Di Lặc sẽ giáng sinh, một lần nữa đẩy bánh xe Phật pháp lăn trên cõi ta bà, giáo hóa chúng sanh.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ Tát, và sau này ngài sẽ là người giáo hóa ở Hội Long Hoa.  Cho nên chúng ta thường nghe câu tán thán và đãnh lễ ngài trong những ngày đại lễ quan trọng này là: "Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật".  Câu này xác định rằng: đức Di Lặc sẽ là vị Phật tương lai, được đức Phật Thích Ca  thọ ký cho ngài sau khi thành Phật ở thế giới Ta bà này để tiếp tục giáo hóa độ sinh.

Từ những kinh điển cổ của Phật giáo đã có ghi chép tiên đoán về sự ra đời của Phật Di Lặc, như trong kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép: "Hiện nay đức Di Lặc đang ở nội viên cung trời Đẩu Xuất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na. Khi sanh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh quán chúng, lớn lên ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh Y Bát của đức Phật Thích Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại. Rồi Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề. Rồi Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa. Hội thứ nhất độ được 96 ức người thành A la Hán. Hội thứ hai độ được 94 ức người thành A La Hán. Hội thứ ba độ 92 ức người thành A La Hán. Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sanh tu hành thoát khổ".

Tuy sẽ đản sanh trong tương lai nhưng trước đó vẫn có những vị mà người đời coi là hóa thân của ngài, Phật giáo đại thừa coi A-dật-đa (một vị đệ tử của Đức Phật) chính là phật Di Lặc sau này, hay như bên Trung Quốc người ta coi Ngài Tăng Can ở gần chùa Quốc Thanh đời nhà Tùy và Bố Đạ Hòa Thượng – một vị thiền sư sống vào thế kỷ thứ 10, đều là các chuyển thân của Di Lặc. Và hình ảnh phật Di Lặc mà ta thường thấy trong các bức tượng ở các chùa, với hình dáng của một ông Phật phúc hậu, ngồi phanh ngực, miệng cười toe toét, tròn trĩnh như có thể lăn được vài chục mét chính là hình ảnh của Bồ Đại Hòa Thượng ( có nguồn cho là hình ảnh của La Hán Bố Đại ) vì trước khi Ngài thị tịch, ngài đã làm một bài kệ với ngụ ý mình chính là Di Lặc, vì vậy người Trung Quốc (ảnh hưởng lên Việt Nam) đời sau đều tạc tượng Di Lặc theo hình ảnh của Hòa Thượng Bố Đại. Bên cạnh đó vẫn có những người tự xưng mình là Phât Di Lặc với mục đích xấu như năm 689, Võ Tắc Thiên đã hạ lệnh cho Pháp Lãng ngụy tạo Đại Vân Kinh, cho rằng Võ Hậu là Di-lặc hạ sanh. Khoảng năm 713-755, Vương Hoài Cổ cũng tự xưng là Tân Phật (Phật Di-lặc) rồi khởi binh làm loạn, năm 1022-1063 đời Bắc Tống, Vương Túc thống lãnh giáo đồ Di-lặc làm phản ở Bối Châu...

Phật Di Lặc được coi là sẽ hạ sanh vào ngày mùng một tháng một âm lịch, các phật tử mừng "Xuân Di Lặc" ngoài việc chào mừng lễ đản sanh của Phật, còn với một mong ước một năm tu tập thành đạt, sớm tu chánh quả, còn với người dân thì mong được một năm sung túc, an lành, được Phật độ trì.


Truyền thuyết Lộc Nữ và 500 vị La Hán

 

500 vị La Hán là các pho tượng ở các ngôi chùa cổ mà người đời biết đến. 500 vị La Hán này mỗi người một vẻ khác nhau nhưng đều được người đời kính phụng. Có một truyền thuyết được lưu truyền ở nhân gian về nguồn gốc của 500 vị La Hán và cô gái có tên là Lộc Nữ, chuyện kể rằng ...

Thời xưa, trên cầu Thiên Đài có một tiệm thuốc Đông y tên gọi "Đồng Thọ Dược Đường", cách đó không xa còn có một ngôi chùa tên là Quốc Thanh.

Sân sau Đồng Thọ Dược Đường có nuôi mai hoa lộc (hươu sao), trước nhà thì có bán những loại trung dược quý báu như lộc hoàn, lộc cao, lộc đan và lộc giao... , việc làm ăn rất hưng thịnh, may mắn. Một năm nọ, đến Tết Trung thu, ông chủ tiệm mời tất cả thầy thuốc và nhân viên cửa hàng cùng nhau uống rượu thưởng trăng trên cầu Thiên Đài. Đang lúc rất vui vẻ nên đặc biệt cho thêm thóc vào thức ăn của bầy lộc; khi bầy lộc đang ăn uống rất ngon lành, thì đúng lúc này trên bầu trời rơi xuống một giọt "Ngọc hoàng thủy" trong thức ăn của bầy lộc, một con lộc mẹ đã ăn vào.

Tương truyền, vào buổi tối Tết Trung thu hàng năm, trên trời đều sẽ rơi xuống một giọt "Ngọc hoàng thủy". "Ngọc hoàng thủy" là bảo vật thần kỳ ở trên trời, nhỏ trên hòn đá sẽ biến đá thành vàng, nhỏ vào trong nước, cá sẽ thành tinh, mà nhỏ trên các loại sinh linh tức thì sẽ được kéo dài thêm tuổi thọ.

Sau khi con lộc mẹ này ăn được "Ngọc hoàng thủy", bụng nó lớn dần lên, thế nhưng khi lộc mẹ đầy tháng thì lại sinh ra một bé gái nhỏ. Ông chủ rất chấn động, cho rằng không phải là điềm lành nên chuẩn bị đem bỏ đi. Lúc này, phương trượng chùa Quốc Thanh đi đến nói rằng đứa bé này sẽ có thể mang lại phúc khí cho Đồng Thọ Dược Đường trong tương lai; thế là tất cả thầy thuốc và nhân viên trong cửa hàng đều rất nhiệt tình thành tâm cho đứa bé ăn cháo, ăn súp, uống sữa hươu. Thế nên đứa bé đã sống sót và lớn lên khỏe mạnh, về sau mọi người gọi cô là "Lộc Nữ".

Dưới sự quan tâm chăm sóc của cả nhà, Lộc Nữ dần dần lớn lên. Lớn lên cô bé lại thông minh, chịu khó, mỗi ngày giúp đỡ mọi người giặt quần áo, nấu cơm. Khi Lộc Nữ tròn 11 tuổi, đêm ấy, phương trượng chùa Quốc Thanh có một giấc mơ kỳ lạ, Bồ Tát Quán Âm trong mộng nói với ông rằng: "Ngày mai sẽ có 500 người bị áp giải đi ngang qua trước cửa chùa, ngươi cần phải tương cứu, bất kể thế nào cũng không thể sơ suất".

Phương trượng sao dám sơ suất, trời còn chưa sáng đã chờ đợi ở cầu Phong Can, chờ đợi, chờ đợi, đợi mãi đến khi chuẩn bị cơm tối mới thấy một nông phu trên lưng vác một cái giỏ đi tới. Phương trượng bước đến trước thi lễ nói: "Lão nhân, xin hỏi trong giỏ này là gì vậy?".  Nông phu đáp: "Là ốc nước ngọt".  Phương trượng bèn hỏi nông phu: "Giỏ ốc này lão có thể bán cho tôi không?".  Nông phu nói: "Nếu phương trượng đã muốn, lão phu xin tặng cho ngài". Phương trượng vội nói: "Thiện tai, thiện tai, đa tạ lão nhân!".  Phương trượng đổ giỏ ốc ra khẽ đếm, vừa vặn đúng 500 con, phương trượng nói thầm trong miệng: "A di đà phật, được cứu rồi". Sau đó vội vàng đổ số ốc vào ao phóng sinh.

Cùng lúc này, Lộc Nữ đang nhóm lửa làm cơm tối cho mọi người, đột nhiên ở đâu đến một cơn gió làm tắt lửa, Lộc Nữ vội vàng chạy đến chùa xin hòa thượng mồi lửa. Hòa thượng trụ trì trong chùa biết rõ lai lịch của Lộc Nữ, nguyên lai Lộc Nữ vốn là một lộc đồng hầu hạ Vương Mẫu nương nương, chỉ vì ăn vụng một quả bàn đào ngàn năm mới bị đánh rớt xuống thế gian chịu khổ, vừa may "Ngọc hoàng thủy" đã cứu được tính mệnh.

Vì vậy, trụ trì muốn nhờ công năng mang theo bên mình của Lộc Nữ để cứu vớt 500 La Hán, trụ trì liền nói với Lộc Nữ: "Mượn lửa không khó, nhưng con phải đáp ứng cho ta một việc". Lộc Nữ nói: "Xin đại sư cứ nói ạ". Trụ trì nói: "Con chỉ cần đi 500 bước trong chùa, đi một bước thì hô lên một tiếng 'dưới chân nở hoa sen', nhưng chỉ đi về phía trước không được quay đầu lại nhìn". Lộc Nữ nói: "Xin đại sư yên tâm, Lộc Nữ sẽ làm theo là được". Thế là Lộc Nữ mỗi bước đi đều hô "dưới chân nở hoa sen", chỉ thấy cô vừa dứt lời, thì liền có một đóa hoa sen từ mặt đất chui lên, cô đi 500 bước, 500 đóa sen đã nối thành một mảnh.

Trụ trì nhìn kỳ tích xuất hiện, nhắm mắt vỗ tay trong miệng niệm: "A di đà phật, 500 La Hán được cứu rồi!". Lúc này, chỉ thấy trong mỗi đóa hoa sen có một người rất nhỏ đang ngồi, sau một làn gió thơm, những người nhỏ xíu này lớn dần lên, chợt nghe một tiếng "bá", 500 người này đồng thời nhảy khỏi đóa hoa sen, trong chớp mắt, tất cả hoa sen biến mất không thấy bóng dáng, 500 người này vội vàng bước đến nói lời cảm tạ Lộc Nữ và hòa thượng trụ trì.

500 người này là chuyển thế của 500 vị La Hán, từ đó về sau làm thầy tu ở chùa Quốc Thanh, cuối cùng đều tu thành chính quả. Người đời sau vì để tưởng nhớ rất nhiều chuyện tốt họ đã làm ở thế gian, liền lập nên Ngũ Bách (500) La Hán Đường, còn Lộc Nữ cũng vì công đức viên mãn nên lại được quay trở về thiên thượng.


Bồ Tát Guan Yin - Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian

 


Guan Yin hay Avalokitesvara ("Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian") là vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật, hay quan sát và lắng nghe âm thanh của thế gian để cứu khổ, cứu nạn chúng sinh. Tên đầy đủ của ngài là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát. Đây là một trong những vị Bồ Tát được thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa.

Hình tượng Quán Thế Âm có đến 33 dạng, khác nhau về số đầu, số tay và các đặc tính. Trong quan niệm ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, ngài hiện thân dưới dạng thân nữ mặc y phục trắng, gọi là Bạch y Hành giả. Số tay thể hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống. Thông thường, trên tay ngài cầm hoa sen hồng nên còn có tên khác là Liên Hoa Thủ, hoặc cầm nhành dương liễu và bình nước Cam lộ, cầm ngọc như ý, bát tràng, giỏ tre...

Đức Quán Thế Âm còn có những tên khác là Lokesvarak (Cambodia), Kannon (Nhật Bản).



trong trống Sự ẩn dụ về thời mạt Pháp trong trống trận A Năng Kha

 

Bằng việc dùng hình ảnh của chiếc trống trận A Năng Kha trong lịch sử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã cảnh báo chúng đệ tử về tình trạng trong tương lai của giáo lý Như Lai mà Ngài đã giảng. Quả đúng như lời cảnh báo đó, đến nay hơn hai nghìn năm sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tạ thế, những kinh sách, những giáo lý và Ngài giảng đã bị sửa đổi hoàn toàn. Và thời nay nó chính là thời mạt Pháp.

Hơn hai nghìn năm trước, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, có một hôm, Đức Phật nói với chúng đệ tử một câu chuyện như sau:

"Chư vị tỳ kheo, đây đã là chuyện vô cùng xa xưa. Có một hoàng tộc gọi là Tháp Tát Lạp Cáp, có một cái trống trận dùng để báo thời gian và việc khẩn cấp, đặt tên là trống trận A Năng Kha.

Cái trống này mỗi ngày đều điểm báo thời gian cho người dân trong thành. Khi gặp phải những chuyện khẩn cấp sắp xảy đến, các binh sĩ càng dốc hết sức đánh mạnh trống trận cho tiếng vang xa, giúp người dân làm tốt công tác phòng bị.

Thời gian thấm thoát trôi qua, cái trống mới ngày nào, dần dần xuất hiện bong tróc và vết nứt. Hoàng tộc Tháp Tát Lạp Cáp nhìn thấy tình hình này, vội vàng dặn dò thợ mộc tìm miếng gỗ mới bù vào chỗ vết nứt. Về sau khi mặt trống xuất hiện bong tróc và vết nứt, họ cũng thay lớp da trống mới đồng dạng như vậy.

Cứ như vậy thay đi thay lại hết lần này đến làn khác, cuối cùng, các mảnh gỗ và da trống ban đầu đều hoàn toàn bị mảnh gỗ và da trống mới thay thế".

Đức Phật nói đến đây, liền hỏi chúng đệ tử:

"Chư vị tỳ kheo, cái trống trận A Năng Kha này vẫn còn chứ?"

"Thưa Phật Đà, trống trận vẫn còn ạ".

"Nó vẫn được gọi là trống trận A Năng Kha chứ?"

"Đúng vậy, nó vẫn được gọi là chiếc trống trận A Năng Kha".

"Cái trống trận này có còn là cái trống trận A Năng Kha ban đầu kia không?"

"Kính thưa Phật Đà, nó đã không còn là chiếc trống trận A Năng Kha ban đầu kia nữa, bởi hết thảy mảnh gỗ và da trống đều đã bị thay thế mất rồi".

Lúc này, Đức Phật mới nói:

"Này chư vị tỳ kheo, cũng giống như vậy, giáo lý mà Như Lai giảng dạy trong tương lai cũng sẽ xuất hiện tình huống giống như cái trống trận A Năng Kha. Đến một lúc nào đó, sẽ có một số hòa thượng, bởi tình thế lúc đó thúc ép hoặc bởi lòng tham, dục vọng, vô minh của cá nhân mà thay đổi, sửa đổi, thậm chí bóp méo Phật Pháp từng chút từng chút một. Cuối cùng những lời giáo huấn của Như Lai sẽ bị xóa bỏ và sửa đổi đến hoàn toàn khác hẳn, thậm chí không còn lại chút gì".

Lời Đức Phật đã nói rất rõ, đến một giai đoạn nào đó, Phật Pháp mà ông giảng sẽ không còn được như ban đầu, tức bước vào giai đoạn mạt Pháp, con người không còn ôm giữ thiện tâm, đến chùa chỉ cầu mong duyên tình, tài lộc và danh lợi, nhiều người còn lớn tiếng phỉ báng Thần Phật, đạo đức con người vì thế mà tụt dốc mau chóng, khi ấy Đức Di Lặc sẽ hạ thế phổ độ chúng sinh, cứu vớt những con người còn ôm giữ thiện niệm, thành tâm kính Phật. Điềm báo chính là Ưu đàm Bà la hoa khai nở.

Nay hoa ưu đàm khắp nơi nở rộ khắp nơi nơi. Loài hoa mỏng manh, trắng tinh khiết, không tàn cho tận đến mấy tháng trời đã xuất hiện khắp nơi, báo hiệu lời tiên tri kia đã thành sự thật. Tuy nhiên, Đức Di Lặc ấy hiện đang nơi đâu, có lẽ chỉ có người thành tâm hướng Phật, biết phân biệt thiện ác trắng đen mới có thể nhận ra

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Con rùa và chó hoang

 


Xưa kia, thời Đức Phật ở tinh xá Kỳ Viên của nước Xá Vệ, hồng truyền Phật Pháp cho chúng sinh, có một đạo nhân đã tu hành suốt 12 năm ở dưới gốc cây bên sông. Tuy đã tu hành lâu như vậy, nhưng trước sau vẫn không thể trừ bỏ niệm đầu tham dục, tâm tư tán loạn, trầm mê trong dục niệm của lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Một hôm, Đức Phật nhìn thấy cơ duyên đã thành thục, đến lúc cần phải đi cứu vớt người tu đạo này. Thế là Ngài liền hóa thân làm một hòa thượng, đi đến bên bờ sông, dừng chân dưới gốc cây cùng với người tu đạo đó tu hành.

Đó là một buổi tối trăng sáng sao thưa, trong hồ có một con rùa bò lên, vừa khéo có một con chó hoang đói bụng đi đến. Con chó hoang vừa nhìn thấy con rùa, trong lòng mừng thầm, không chút do dự mà hành động, mở to miệng ra, chuẩn bị nuốt con rùa đó.

Con rùa giật nảy mình, vội vàng thu đầu cổ và bốn chân vào trong mai rùa. Con chó hoang sốt ruột dùng lỗ mũi ngửi ngửi con rùa ở trước mắt. Suy đi nghĩ lại, không còn cách nào khác, cuối cùng thất vọng từ từ bỏ đi.

Còn rùa nhìn thấy con chó đi xa rồi, mới yên tâm thò đầu và chân ra, vượt qua một kiếp nạn này.

Cả hai người đều nhìn thấy cảnh này, người tu đạo nói với Đức Phật bên cạnh rằng: "Con rùa đó bởi vì có cái mai cứng nên giữ được sinh mệnh, con chó hoang mới không đạt được ý đồ".

"Đúng vậy, con người lẽ nào còn không được như con rùa này sao? Người đời không hiểu thế gian vô thường, tham luyến dục niệm của lục căn, đây chính là cấp cho con ma bên ngoài có thể thừa cơ len lỏi vào. Con ma bên ngoài sẽ thừa dịp phá hoại thân người, hủy hoại tinh thần, khiến người ta rơi sâu vào trong sinh tử luân hồi. Thật ra, hết thảy mọi khổ não, đều là do nội tâm của bản thân khởi lên, chúng ta nên phải khắc chế nó đúng lúc".

Người tu đạo nghe được những lời của Đức Phật, lập tức gắng sức hạ quyết tâm, kiên định dứt trừ dục niệm, cuối cùng đã chứng đắc được quả vị La Hán.

Nỗi thương tiếc của Đức Phật Thích Ca

 

Vô lượng số kiếp về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi đó, thân vẫn là người phàm. Ngài quy y Tam Bảo, tuân thủ giới luật là chuyện sau này.

Có một lần, ngài cùng với người cậu đi đến nơi xa để làm ăn buôn bán. Trên đường trở về, cậu của ngài vượt qua đường sông trước, đi đến một hộ gia đình. Trong nhà chỉ có người mẹ và cô con gái. Hai mẹ con họ lấy cái bình bát cổ gia truyền ra, muốn đổi lấy ba viên trân châu của người cậu.

Người cậu dùng con dao cạo đi lớp vỏ bên ngoài của chiếc bình bát cổ, phát hiện nó là một chiếc bình bát bằng vàng. Nhưng người cậu này gian trá, đã dối gạt hai mẹ con, ông ta cố ý ném mạnh chiếc bình bát xuống đất, lớn tiếng nói rằng: "Đừng có làm bẩn tay ta!" Thật ra trong lòng là muốn ép giá, nói xong, giả bộ tiếp tục lên đường, khiến hai mẹ con kia, cảm thấy vô cùng tủi nhục.

Không lâu sau, người cháu cũng đi qua nơi này. Con gái của nhà đó, lại thỉnh cầu lấy chiếc bình bát vàng đó đổi lấy một viên trân châu. Người cháu thật thà, nói với cô rằng: Đây là chiếc bình bát vàng, giá tiền của nó vượt xa cả mấy viên trân châu. Chàng đã bỏ ra toàn bộ trân châu, báu vật của mình để đổi lấy chiếc bình bát bằng vàng đó.

Sau khi người cháu ngoại đi rồi, người cậu lại quay trở lại, muốn dùng một, hai viên trân châu để đổi lấy chiếc bình bát vàng đó. Khi ông ấy nghe nói chiếc bình bát giá trị đó đã bị một người khác đổi mất rồi, trong lòng vô cùng tiếc nuối, lập tức chạy đến bên bờ sông, dậm chân đấm ngực, hét to lên rằng: "Chiếc bình bát cổ đó vốn nên thuộc về ta mới phải! Làm tức chết ta rồi!" Ngọn lửa uất hận lên tim, thổ huyết mà chết.

Về sau, người cháu trai (tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) tìm kiếm khắp nơi, cuối cùng đã tìm được thi thể của người cậu. Chàng nghẹn ngào, buồn bã than rằng: "Dối trá và lòng tham, thật không ngờ lại khiến cho người cậu của ta mất mạng!"